Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Những vụ xả súng bi thảm trong điện ảnh

Những vụ xả súng bi thảm trong điện ảnh


Một vụ xả súng kinh hoàng đã xảy ra tại Mỹ vào tối 14/12 theo giờ Việt Nam ở một trường tiểu học của bang Connecticut (Mỹ) làm ít nhất 27 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em. Được biết hung thủ là một thanh niên mới 20 tuổi. Cả nước Mỹ đau đớn, thế giới rúng động trước vụ thảm sát quá thương tâm.

Trước đó, vụ thảm sát tại trường trung học Columbine ở bang Colorado hồi năm 1999 hay hai vụ thảm sát xảy ra trong năm 2012 này đã cho thấy những bất ổn trong tâm sinh lý của một bộ phận thế hệ trẻ Mỹ.

Điện ảnh thế giới nói chung và điện ảnh Mỹ nói riêng đã sản xuất rất nhiều phim về đề tài thảm sát tại trường học. Đáng kể có những bộ phim giàu tính nghệ thuật và giành giải cao tại những liên hoan phim lớn như “We Need To Talk About Kevin” (phim Anh) hay “Elephant”.

Những vụ xả súng bi thảm trong điện ảnh


“We need to talk about Kevin” (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin) từng giành giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes năm 2011. Phim khiến người xem phải sững sờ trước câu chuyện bi thảm mà nó đề cập đến.

Giữa bà mẹ Eva và cậu con trai Kevin luôn có những khúc mắc, những sự chống đối ngấm ngầm, những hằn học khó hiểu. Cậu con trai luôn làm những việc khiến mối quan hệ của hai mẹ con trở nên căng thẳng và khó khăn.

Trong chếnh choáng hơi men, trong một phút bốc đồng của tuổi trẻ, Eva đã mang thai Kevin. Trong thâm tâm Eva, đó là một sự tiếc nuối, một sai lầm. Bộ phim mang thông điệp chân thực về cuộc sống hiện đại đầy phức tạp, ở đó, những mối quan hệ gia đình bị đe dọa, mối quan hệ xã hội luôn ẩn chứa những hiểm họa khôn lường.

Kịch tính của “We Need To Talk About Kevin” lên tới đỉnh điểm khi Kevin giết hại bố và em gái, sau đó là các bạn học ở trường bằng bộ cung tên mà bố đã dùng để dạy cậu học bắn cung. Người mẹ đã sụp đổ hoàn toàn khi phải chứng kiến những hậu quả ghê rợn mà chính đứa con mình sinh ra gây nên.

Bà phải lẩn trốn mọi người, lẩn tránh báo chí, sợ phải đối diện với những vị phụ huynh có con bị thiệt mạng và đặc biệt bà né tránh dư luận. Đã có lần Eva hỏi con tại sao lại gây ra những việc như vậy, Kevin nói rằng đã có lúc cậu tưởng mình biết rõ động cơ nhưng giờ đây cậu lại không chắc chắn nữa.

Bộ phim là một câu chuyện bi thảm cả về mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Nó cũng cho thấy sự bế tắc trong việc phân tích động cơ tội ác của Kevin. Sự lập dị trong tính cách của Kevin và sự hằn học ngấm ngầm trong mối quan hệ của hai mẹ con chưa phải là câu trả lời thỏa đáng cho tất cả những hành động đáng sợ mà Kevin gây ra.

Bộ phim khép lại khiến người xem thấy trống rỗng, ngơ ngác. Ngoài kia, cái ác vẫn tồn tại đằng sau vẻ bình thản của cuộc sống thường nhật. Đôi khi, người ta tàn ác với nhau chẳng vì lý do gì.

Những vụ xả súng bi thảm trong điện ảnh


“Elephant” (Voi) là một bộ phim khác cũng làm về đề tài thảm sát tại trường học và giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2003. Trong phim, hai kẻ sát nhân đang ở độ tuổi đi học, Alex và Eric khao khát muốn chứng tỏ sức mạnh của mình khi liên tục bị một băng nhóm đầu gấu trong trường bắt nạt.

Hai thanh niên đặt mua vũ khí qua mạng, đem tới trường xả súng vào các bạn học cho thỏa cơn tức giận vì bị chèn ép, xỉ nhục và coi thường. Sau khi giết rất nhiều học sinh trong trường, Alex – một trong hai kẻ sát nhân đã bắn chết kẻ đồng lõa còn lại. Cảnh phim cuối cùng kết thúc giống hệt cảnh đầu tiên: bầu trời vẫn trong xanh, tĩnh lặng như không có chuyện gì xảy ra.

Phim kết thúc để lại bao cảm xúc ngổn ngang. Tội ác gây ra để lại bao hậu quả khủng khiếp nhưng người ta hầu như chẳng thể làm gì để giải quyết nó. Căn nguyên của hành động không được lý giải, việc thực thi công lý dường như chẳng còn ý nghĩa, người xem chỉ thấy chông chênh vô định.

Alex và Eric – hai kẻ sát nhân trong phim vừa là những kẻ sát nhân máu lạnh vừa là những thanh niên trẻ tội nghiệp. Trước khi thực hiện vụ xả súng, chúng thú nhận với nhau rằng chưa từng hôn ai bao giờ. Để có trải nghiệm đầu tiên trước khi bước vào cuộc thảm sát, chúng hôn nhau. Chúng chấp nhận mạo hiểm tính mạng, bỏ cả tương lai để được thỏa mãn mong muốn khẳng định bản thân, để thể hiện rằng chúng có sức mạnh lớn hơn những kẻ vẫn bắt nạt chúng ở trường.

Những vụ xả súng bi thảm trong điện ảnh


“April Showers” (Những cơn mưa tháng 4) được biên kịch và đạo diễn bởi một trong những nhân chứng của cuộc thảm sát tại trường trung học Columbine xảy ra hồi năm 1999. Phim cho thấy cái nhìn của người trong cuộc.

Đạo diễn Andrew Robinson là nhân chứng sống sót sau vụ xả súng đẫm máu khiến 15 người chết và 24 người bị thương năm đó. Sau sự việc động trời, các giáo viên và học sinh trong trường đều cảm thấy trống rỗng, mất mát và phần nào thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa. Kẻ sát nhân - một trong những người học trò, người bạn của họ đã làm thay đổi suy nghĩ và niềm tin bấy lâu về cuộc sống.

Cũng trong bộ phim này, đạo diễn Robinson đã đưa ra thêm một góc nhìn mới. Khi cả đất nước cùng quan tâm tới câu chuyện đau lòng, khi từng giờ từng phút truyền thông đưa tin liên tục về vụ việc, những người trong cuộc, những nhân chứng lại càng cảm thấy khó khăn hơn. Họ càng muốn lẩn tránh để đi tìm những góc riêng và chữa lành vết thương tâm hồn của mình.
 
Những bộ phim tiếp cận đề tài quanh các vụ xả súng đẫm máu đều đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi duy nhất: Tại sao?
 
Tại sao điều đó lại xảy ra? Tại sao một đứa trẻ lại có thể xách súng đến trường và bắn vào các bạn? Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn đứa trẻ ấy? Điều gì đã biến một người trẻ trong phút chốc trở thành ác quỷ?
 
Tất cả các nhà làm phim, các nhà xã hội học, các nhà tâm lý học đều cố gắng đi tìm câu trả lời, có người cho rằng đứa trẻ ấy là hệ quả của một nền giáo dục lệch lạc, có người lý giải hành động ấy là sự cô độc, nổi loạn của một người trẻ... Chưa có câu trả lời nào thỏa đáng. Chưa có câu trả lời nào giải thích được đến tận cùng nỗi đau nhường ấy.
 
Chỉ biết, đằng sau mỗi câu trả lời là sự mất mất, là nỗi đau thương khôn cùng, là khoảng trống hoảng sợ không gì bù lấp được.
 
 
Pi Uy-H.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét