Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

LHP Cannes "tâm đắc" với kịch bản phim về tội ác ở Trung Quốc

Phim tái hiện tội ác ở Trung Quốc đoạt giải Kịch bản tại Cannes

Bộ phim Trung Quốc - “A Touch of Sin” (Chạm vào tội ác) vừa đoạt giải Kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Cannes. Phim khắc họa chân thực những mặt đen tối nhất trong cuộc sống hiện đại ở Trung Quốc.
 
Dư âm để lại của bộ phim do đạo diễn - biên kịch người Trung Quốc - Giả Chương Kha thực hiện đã trở thành đề tài cho những cuộc tranh luận của người xem và giới phê bình. Phim đã “bủa vây đến nghẹt thở các nhân vật chính trong một bối cảnh đen tối giữa xã hội Trung Quốc đương đại”.

“A Touch of Sin” của đạo diễn Giả Chương Kha đã giành giải một cách thuyết phục khi phim nằm trong top những tác phẩm được đánh giá cao nhất tại liên hoan, được cho 3 sao (trong tổng số 4 sao) - mức sao cao nhất trong số những phim đã được công chiếu tại Cannes lần này.

Bộ phim kể về cuộc đời bi thảm của 4 nhân vật chính, tạo thành 4 câu chuyện độc lập song song, dựa trên những sự kiện có thật vừa mới xảy ra gần đây tại Trung Quốc, đã được báo chí nước này đưa tin và trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận và truyền thông.

Phim tái hiện tội ác ở Trung Quốc đoạt giải Kịch bản tại Cannes

Những nhà bình phim đã biết tới các tác phẩm trước đây của đạo diễn Giả Chương Kha đều nhận định rằng trong “A Touch of Sin” có một sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách của Giả Chương Kha. Ông tiếp cận bạo lực một cách trực diện, khắc họa chân thực những cơn thịnh nộ của con người.

Tình huống cao trào trong “A Touch of Sin” là không thể đoán trước, kịch tính vô cùng bất ngờ và nghẹt thở.

Một công nhân trẻ liên tục nhảy việc những mong thay đổi cuộc đời mình nhưng cuối cùng nhận thấy tương lai dù ở đâu vẫn là một màu u ám nên đã quyết định tự vẫn. Một nữ nhân viên làm việc tại một tiệm mát-xa bị khách hàng cưỡng hiếp đã dùng dao chống trả gây nên một vụ án giết người chấn động dư luận.

Một công nhân quanh năm đi làm xa, đến dịp Tết trở về nhà cố gắng hâm nóng tình cảm vợ chồng vốn đang dần nguội lạnh, rạn nứt, cuối cùng đã để câu chuyện kết thúc bằng một phát súng săn. Cuối cùng, một người dân sống ở quê quyết định phải dùng tới bạo lực để đáp trả tên “quan” tham nhũng, hách dịch.

Phim tái hiện tội ác ở Trung Quốc đoạt giải Kịch bản tại Cannes

Trong một tác phẩm điện ảnh tiếp cận đề tài bạo lực xã hội một cách thẳng thắn, dứt khoát và khốc liệt, đạo diễn cũng đồng thời là biên kịch của phim đã cho người xem thấy thực tế tàn nhẫn trong cuộc sống hàng ngày khi mà bạo lực đôi khi lại trở thành cứu cánh, phương kế, lối thoát duy nhất của những con người “thấp cổ bé họng” trước những khủng hoảng của cuộc đời.

Cảm giác tuyệt vọng thống trị trong bộ phim khiến người xem phải ngẫm nghĩ khi hình ảnh cuối cùng khép lại: Điều gì đã khiến mọi thứ trở nên tệ hại như vậy giữa một xã hội hiện đại? Tại sao những người lao động bình thường lại trở thành những tội phạm bạo lực tàn khốc như vậy?

Phim tái hiện tội ác ở Trung Quốc đoạt giải Kịch bản tại Cannes

Một số nhà bình luận cho rằng bộ phim đen tối này là bức chân dung khắc nghiệt của một thời kỳ kinh tế phát triển bùng nổ tại Trung Quốc khi mà cuộc sống giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng nảy sinh những mâu thuẫn đối chọi gay gắt.

Nhà phê bình phim người Đức - Jan Schulz-Ojala cho rằng: “Bộ phim khắc họa sự trống rỗng của một xã hội đề cao thế lực đồng tiền. Phim cũng nói về sự tồn tại song song giữa đạo đức và vô đạo đức trong một xã hội tôn thờ tiền tài, danh vọng.”

Tại một cuộc họp báo ở Cannes, đạo diễn Giả Chương Kha nói rằng ông đã bắt đầu quan tâm tới những sự việc cực đoan và gây sốc trong xã hội Trung Quốc kể từ 2-3 năm trước. Các sự việc đều đậm chất bạo lực và diễn ra trong cuộc sống của những con người lao động, đáng lẽ đã có thể sống những cuộc đời bình dị.

Đạo diễn Giả Chương Kha nhận giải tại Cannes
Đạo diễn Giả Chương Kha nhận giải tại Cannes

“Những sự việc cực đoan và bạo lực đẫm máu này khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi tự nhủ rằng mình cần góp phần giải quyết vấn đề bằng phim ảnh, để xã hội hiểu rằng một người bình thường có thể bị dồn ép tới mức gây ra những phản ứng bạo lực như thế nào”.

Bốn cuộc đời bất hạnh của bốn nhân vật chính trong phim sẽ dễ dàng nhắc người dân Trung Quốc nhớ lại những sự việc có thật, gây sốc từng xảy ra tại đất nước này.

Đoàn làm phim A Touch of Sin trên bục nhận giải
Đoàn làm phim "A Touch of Sin" trên bục nhận giải

Một số người đã chỉ trích phim của Giả Chương Kha là quá tham nội dung khi xây dựng tới 4 tuyến nhân vật trong 4 câu chuyện riêng rẽ. Tuy vậy, cho tới lúc này, đây vẫn được coi là bộ phim nghệ thuật dễ hiểu, dễ xem nhất của đạo diễn Giả Chương Kha.
 
Đạo diễn Giả Chương Kha chia sẻ: “Tôi rất chờ đợi phản ứng của khán giả Trung Quốc. Tôi hy vọng phim sẽ thu hút được sự chú ý của họ bởi nó bàn về những vấn đề thiết thân mà chúng tôi đang đối mặt hàng ngày, những vấn đề đang gây ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng tôi.”

“A Touch of Sin” hiện đã được cho phép công chiếu tại Trung Quốc vào mùa thu này. Tin rằng, với một giải cao giành được tại liên hoan phim quốc tế, “A Touch of Sin” sẽ thu hút đông đảo người xem Trung Quốc.

 
Pi Uy
Theo China.org.cn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét